Từ bệnh dịch nhìn tương lai: Khi thời đại không việc không lương tới, chúng ta cần trang bị cho mình đủ 4 loại năng lực
“Nếu bỗng dưng mất công việc, bạn nên làm sao?”
01
"Nếu bỗng dưng mất công việc, bạn nên làm sao?"
Đây không phải là một câu hỏi ngẫu nhiên, đây vốn dĩ là vấn đề muôn thuở, chỉ có điều thái độ của hầu hết mọi người là "công ty rất cần tôi, làm sao tôi có thể bỗng dưng mất việc được?"
Không chỉ có những người mới đi làm, ngay đến cả những người ở tầng lớp quản lý, lãnh đạo cũng có những suy nghĩ như vậy, luôn cho rằng mình có địa vị rất vững chắc ở công ty, trừ phi công ty phá sản, nếu không thì đang tung tăng bơi lội làm sao tự nhiên trở thành "cá rán" trên chảo được?
Nhưng thực tế là khi năng lực và những phương diện khác của bạn không đáp ứng được yêu cầu của công ty thì nguy cơ thất nghiệp của bạn vẫn luôn là rất cao, dù trước đó vị trí của bạn trong công ty có quan trọng tới đâu.
Tất nhiên, vẫn còn những tình huống khác, chẳng hạn như ảnh hưởng của lần dịch bệnh này tới hầu hết các doanh nghiệp, phổ biến nhất là ở nhà nghỉ dài ngày không lương, các công ty lựa chọn cắt giảm nhân viên, thậm chí có không ít công ty không chịu được áp lực tuyên bố phá sản...
02
Trong thời gian dịch bệnh, hai lĩnh vực bỗng nhiên trở nên hot hơn cả, đó là bán hàng online và truyền thông cá thể như làm blog hay livestream trực tuyến...
Vì sao lại xuất hiện tình hình này? Ở đây không thể không nhắc tới hai danh từ: "kinh tế tạm thời" và "nghề tay trái cứng".
"Kinh tế tạm thời" về mặt bản chất là một hình thức công việc ngắn hạn, mỗi người sẽ dành ra một khoảng thời gian rảnh rỗi của mình để giúp người khác giải quyết vấn đề nào đó để rồi nhận lương.
"Nghề tay trái cứng" ý chỉ biến nghề phụ thành một nghề mang tính cần thiết, bất luận là làm công việc gì, bạn cũng luôn cần phải có cho mình một "plan B".
Thực ra, ý nghĩa mà "kinh tế tạm thời" và "nghề tay trái cứng" hướng tới là tương đồng, chỉ có điều một cái là sự thay đổi trong hình thức công việc, một cái đề cao tầm quan trọng của nghề tay trái. Đứng ở một tầng nghĩa nào đó, kinh tế tạm thời bao hàm nghề tay trái.
Bất luận là khái niệm gì thì từ trước cho tới nay, thêm một loại năng lực, thêm một lựa chọn luôn là sự chuẩn bị cần thiết cho tương lai.
03
Trong thời đại kinh tế tạm thời như hiện nay, chúng ta nên trang bị cho mình những năng lực nào?
Khi mà kinh tế tạm thời trở thành thường thức, khi nghề tay trái trở thành chủ lưu, chúng ta ai cũng nên không ngừng học tập, không nên chỉ tập trung cho một ngành nghề duy nhất, cần phải có một sự phát triển "toàn diện".
Năng lực thứ nhất: Năng lực viết lách
Tôi không hề thổi phồng việc viết lách, nhưng ở thời đại này, viết lách là năng lực nền tảng.
Trước tiên, tôi sẽ hỏi một câu hỏi rằng, ngành nghề nào cần tới năng lực viết lách? Có lẽ không có được vài ngành. Nhưng điều tôi muốn nói đó là chẳng có ngành nghề nào cần tới năng lực viết lách, miễn là bạn sẵn sàng sống dưới tầng lớp thấp nhất của xã hội.
Có được năng lực viết lách có lẽ là loại năng lực hạnh phúc nhất trên thế gian này. Vì sao lại nói như vậy? Hãy suy nghĩ thật nghiêm túc, khi mới ra đi làm, nhìn những người ưu tú kia, bạn sẽ cảm thán như nào đầu tiên? Chúng ta sẽ cảm thán rằng: "Nếu tôi cũng viết lách giỏi thì tốt biết mấy!".
Nghĩ mà xem, đâu phải ngẫu nhiên mà môn Văn luôn được song hành với môn Toán, là những môn chính trong suốt những năm tháng đi học. Muốn bán hàng online, nhưng không biết viết nội dung sao cho vừa thật chuyên nghiệp lại vừa thật cuốn hút, đánh động lòng người, đây há chẳng phải là vấn đề gây đau đầu của các "thương nhân nghiệp dư".
Vì vậy, bất kể bạn đang làm việc ở ngành nghề nào, hãy trang bị cho mình năng lực viết lách, không cần quá giỏi, nhưng cũng đừng có ở mức tới viết lời giới thiệu bản thân cũng không biết.
Năng lực thứ 2: năng lực sử dụng các phần mềm cơ bản
Nếu tới bây giờ mà bạn vẫn không biết sử dụng 3 phần mềm của office, Word, PPT hay Excel, vậy thì bạn nhất định sẽ trở thành trò cười của cái thời đại này rồi.
Cứ nhìn vào các yêu cầu tuyển dụng của các công ty thì biết, có công ty nào không cần bạn biết sử dụng các phần mềm office, thậm chí có những công ty còn yêu cầu khả năng PS, thiết kế..
Tất nhiên, ở thời đại này, đối với thế hệ được sinh ra trong thời bình như chúng ta mà nói, theo kịp thời đại công nghệ số chắc cũng không phải vấn đề gì quá khó khăn, nhưng dù là như vậy, cũng hãy luôn khiêm tốn, không ngừng học hỏi hết những thứ cơ bản, đồng thời cũng không ngừng cập nhật những kĩ năng nâng cao.
Đừng để tới khi đột ngột mất việc vì một lí do nào đó, khi nhìn thấy nội dung yêu cầu của công việc mới có dòng chữ "yêu cầu kĩ năng office hay photoshop cơ bản" là rụt đuôi lại không dám ứng tuyển.
Năng lực thứ ba: năng lực tự học
Ở nơi làm việc, năng lực tự học quan trọng ra sao?
Lấy một ví dụ. Lãnh đạo giao cho hai nhân viên mới (A và B) một nhiệm vụ, nhiệm vụ này cũng là nhiệm vụ mà hai người chưa từng làm bao giờ. Người A có năng lực tự học, người B không có. Cuối cùng, qua một khoảng thời gian, người A thông qua tự học, lên mạng tìm hiểu, rất nhanh đã tìm ra cách hoàn thành nhiệm vụ, cuối cùng vẫn tự mình hoàn thành, dù không quá xuất sắc. Còn người B, vì không có khả năng tự học, hoàn toàn không biết mình nên làm gì, nên bắt đầu từ đâu. Cuối cùng, người lãnh đạo giữ lại tất nhiên là người A.
Người có khả năng tự học là người luôn không ngừng tìm tòi cái mới, gặp vấn đề tự mình tìm tòi cách giải quyết vấn đề, họ đồng thời cũng là người học được kĩ năng mới nhanh nhất, nắm bắt được thông tin và trào lưu mới nhanh nhất. Những người như vậy sẽ không bao giờ bị thời đại bỏ lại phía sau.
Năng lực thứ 4: Năng lực giao tiếp
Ở thời đại này, giao tiếp không chỉ giới hạn ở việc mặt đối mặt nói chuyện, mà còn là giao lưu qua mạng.
Trong công việc hàng ngày, tiếp khách hàng là một chuyện rất bình thường, dù không phải mặt đối mặt, không cần phải nói chuyện, chỉ đơn thuần là đánh chữ thôi nhưng cũng có không ít người "nói không ra đâu vào với đâu". Vậy phải làm sao?
Thứ nhất, cần chân thành. Trước khi nói chuyện, chúng ta hoàn toàn có thể nói ra điểm còn thiếu sót của mình với đối phương, nghe những ý kiến liên quan, sau đó khi nói chuyện chính có thể gài thêm vào một vài ý kiến mà bạn cho là đúng đắn, đối phương cũng có thể cảm nhận được sự chân thành của bạn.
Tiếp theo, cần phải có kiến thức chuyên môn thật vững chắc. Chỉ khi có kiến thức chuyên môn vững chắc, bạn mới có thể tự tin giới thiệu cho đối phương về công việc, đồng thời lời nói cũng sẽ có sức thuyết phục hơn, từ đó có được lòng tin từ phía đối tác.
Thêm vào đó, tích cực tham gia vào các hội nhóm xã hội, tăng cường giao lưu với người khác, nâng cao EQ của mình.
Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Rèn luyện cho mình 4 loại năng lực trên là đang tạo ra cơ sở vững chắc cho tương lai của bạn. Để dù có không may mất việc vì một lí do bất khả kháng nào đó, bạn vẫn có thể sống tốt, thay vì ngồi đó cả ngày vò đầu bứt tai hối hận "sao ngày đó mình không thế này, thế kia".