Thói quen tốt để thành công, có một cái thôi là đủ: Thoát khỏi “chứng trì hoãn”
30/08/2021 1.011 lượt xem
Thoát khỏi sự trì hoãn là mục tiêu theo đuổi của tất cả những ai mong muốn trở nên tốt hơn, nhưng rất ít người có khả năng thoát khỏi nó...
 

Rõ ràng là có việc phải làm, nhưng lại cứ thích trì hoãn.
 
Nghĩ là chơi một lúc rồi sẽ đọc sách, một lúc, một lúc rồi tới tận giữa đêm.
 
Vạn sự, "nước không tới chân", tuyệt đối "không nhảy".
 
Có phải bạn cũng đang mắc phải "chứng trì hoãn" như vậy?
 
Sự nghiệp giảm cân bị xếp xó, kế hoạch đọc sách, thi chứng chỉ năng lực, sách và giày chạy bộ bị bỏ quên trong góc.
 
Mỗi ngày đều quyết tâm thay đổi, những lại không biết ngày nào mới bắt đầu thay đổi, cứ như ngày này qua ngày khác, lãng phí cuộc đời mình trong sự chậm trễ.
 
Sự chần chừ đã và đang nuốt chửng cuộc sống của chúng ta. Nó không chỉ cản trở tiến độ học tập, công việc, khiến chúng ta ngày càng xa rời việc thăng chức, tăng lương mà còn khiến chúng ta lo lắng, mặc cảm, hụt hẫng và mất kiểm soát trong đời sống.
 

Thoát khỏi sự trì hoãn là mục tiêu theo đuổi của tất cả những ai mong muốn trở nên tốt hơn, nhưng rất ít người có khả năng thoát khỏi nó.
 
Hai nhà tâm lý học người Thụy Điển, đã ghi lại quá trình 30 học sinh chuẩn bị cho kỳ thi trong thời gian 21 ngày, kết quả cho thấy càng gần thời hạn, lượng học sinh đổ xô đi ôn tập ngày càng đông.
 
Một cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng 80% sinh viên đại học và 86% người ở nơi làm việc ở Trung Quốc mắc chứng trì hoãn; 50% người sẽ không bao giờ bắt đầu công việc cho đến phút cuối cùng; 13% người không thể hoàn thành công việc của mình nếu không "được" thúc giục.
 
Bạn đã bỏ lỡ điều gì vì sự trì hoãn?
 
Một cư dân mạng cho biết:
 
"Điều tôi tiếc nuối nhất khi còn học đại học chính là cứ chần chừ mãi cả kỳ không thèm động vào luận văn tốt nghiệp.
 
Tôi bắt đầu gấp rút làm một tháng, rồi một tuần trước khi nộp bản thảo, buổi tối trước hôm nộp bản thảo đã thức trắng đêm, sáng sớm hôm sau không chịu được, ngủ thiếp đi một lúc, sự hoảng sợ lúc mở mắt bừng tỉnh khiến tôi nhớ tới tận bây giờ."
 
Chất lượng của luận văn có lẽ ai cũng có thể hình dung được.
 
Một cư dân mạng khác nhớ lại:
 
"Từ nhỏ đến lớn, tôi không thể nhớ nổi có bao nhiêu cuộc gặp gỡ, chuyến tàu, chuyến bay, và những cơ hội mà mình bỏ lỡ chỉ vì sự trì hoãn, chậm chạp, vì tôi luôn là người đến cuối cùng, tôi thậm chí còn được các bạn gọi là "ông hoàng những giây cuối cùng".
 
Vừa trì hoãn, vừa lo lắng, lúc chơi cũng không thể chuyên tâm chơi, chuyện cần làm lại hoàn thành không tốt.
 
Công việc cũng như vậy, sang tuần phải nộp cái gì, tới tận cuối tuần rồi vẫn chưa động bút, cứ luôn bảo là thôi tiếng nữa rồi làm, rồi lại tiếng nữa, cứ như vậy, thành ra cả tuần.
 
Ngày qua ngày, năm này qua năm khác, thời gian cứ thế trôi đi, chỉ còn lại bản thân, người mà chính mình cũng thấy chán."
 

Có một bài nói chuyện trên TED mang tên "Inside the mind of a master procrastinator" (tạm dịch: Thế giới bên trong của những người mắc chứng chần chừ).
 
Diễn giả Tim Urban nói rằng bên trong bộ não của những người thích trì hoãn và không trì hoãn có điểm chung, đó là đều có "một người" ra quyết định hợp lý cầm tay lái, và sự khác biệt giữa hai người này là bộ não của những người hay trì hoãn có thêm một con khỉ mang tên "hài lòng kịp thời".
 
Con khỉ này không có ký ức về quá khứ và không có kế hoạch cho tương lai, nó chỉ quan tâm đến hai điều: dễ dàng và hạnh phúc.
 
"Người" đưa ra quyết định hợp lý sẽ lập kế hoạch dài hạn, vì vậy họ luôn để chúng ta làm những việc khó khăn hơn và không mấy vui vẻ, chẳng hạn như đặt máy chơi game xuống, làm bài tập về nhà, đọc sách, trong khi chú khỉ kia lại để chúng ta tận hưởng niềm hạnh phúc trước mắt.
 
 
Khi chúng ta lãng phí nhiều thời gian cho những việc dễ dàng này, những gì chúng ta nhận được không phải là hạnh phúc thực sự mà là cảm giác tội lỗi, lo lắng và căm ghét bản thân.
 
Vì vậy, khi con khỉ điều khiển tay lái của cuộc đời bạn, làm thế nào bạn có thể trả lại tay lái cho "người" đưa ra quyết định hợp lý, để bạn chấm dứt sự trì hoãn và hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn?
 
Đó chính là thiên thần hộ mệnh của những "người" ra quyết định hợp lý – "con quái vật hoảng sợ".
 
Những con quái vật hoảng sợ thường ngủ đông và chỉ khi thời hạn sắp đến, chúng mới thức dậy, xua đuổi lũ khỉ và thúc giục những "người" đưa ra quyết định hợp lý nhanh chóng hoàn thành việc đó.
 
Do đó, khi không có thời hạn cho một số việc, bạn thường rất khó để thực sự bắt tay vào làm, vì con quái vật hoảng sợ sẽ không thức dậy.
 
Ví dụ, tập thể dục, bạn không tập hôm nay không thành vấn đề, tháng sau bạn không tập cũng không thành vấn đề.
 
Tuy nhiên, nhiều người, chỉ khi gặp tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, cảm thấy bệnh tật đe dọa, hoặc thậm chí trải qua giây phút sinh tử, họ mới nhận thức được rằng cuộc sống có thời hạn và tập thể dục cũng có thời hạn, và khi ấy họ có thể duy trì và liên tục tập thể dục một cách chủ động.
 
Ví dụ như học hành, đọc sách, người lớn không còn bị áp lực thi cử nữa, học tập, đọc sách đã trở thành một vấn đề tự ý thức, đối với nhiều người, nó có thể làm được hoặc không.
 
Mãi cho đến khi biết được những đồng nghiệp khác âm thầm đảm nhận vị trí cao hơn, lương cao hơn, lúc này mới hối hận vì mình đã không chủ động tìm hiểu, học hỏi thêm.
 
Sự trì hoãn kéo dài không có thời hạn này sẽ tiêu hao cuộc sống của chúng ta một cách tinh vi, và tích tụ bất hạnh và tội lỗi lâu dài.
 
Tim Urban tin rằng tác hại lớn nhất của việc trì hoãn kéo dài là khiến mọi người cảm thấy rằng họ chỉ là những người ngoài cuộc trong cuộc sống. Sự thất vọng của họ không phải vì họ không thể thực hiện ước mơ của mình, mà bởi vì họ thậm chí không thể bắt đầu theo đuổi ước mơ của mình.
 
Tất cả chúng ta đều là những người trì hoãn, sự khác biệt duy nhất là ai có thể đánh thức con quái vật sợ hãi nhanh hơn và hành động nhanh hơn.
 
Các bác sĩ Tâm lý học nước ngoài đã tạo ra khóa học trị liệu nhóm đầu tiên dành cho những người hay trì hoãn trong giới sinh viên kể từ năm 1979. Họ tin rằng sự trì hoãn không phải là một tính cách, mà là một vấn đề tâm lý, xuất phát từ nỗi sợ hãi thất bại, thành công, kiểm soát, xa lánh và phụ thuộc của con người. Chỉ bằng cách loại bỏ các yếu tố tâm lý đằng sau sự trì hoãn, cơ thể bạn mới có thể hành động.
 

Nếu bạn muốn thay đổi, bạn có thể thử 5 phương pháp sau:
 
Đầu tiên, hãy ghi lại những cuộc đấu tranh nội tâm của bạn
 
Có một cuộc trò chuyện nghiêm túc với chính mình, nhớ lại những điều khiến bạn lo lắng, canh cánh và thậm chí sản sinh ra bóng đen tâm lý; làm rõ những gì bạn thực sự mong muốn và thực sự sợ hãi; bạn dự định làm gì trong tương lai và bạn sẵn sàng trở thành người như thế nào.
 
Chỉ bằng cách tìm ra lý do thực sự của sự trì hoãn, bạn mới có thể khắc phục nó tốt hơn.
 
Thứ hai, thực hiện các ám thị tâm lý tích cực
 
Hầu hết những người "trì hoãn" đều có yếu tố tâm lý là sợ thất bại hoặc sợ thành công.
 
Hoặc là cảm thấy không thể hoàn thành mục tiêu đã đặt ra và có thói quen từ chối bản thân, hoặc là họ lo lắng rằng mình không hòa hợp với môi trường xung quanh, và phải hòa nhập vào nhóm để tìm cảm giác an toàn.
 
Nếu bạn có những lo lắng như vậy, bạn cũng có thể cố gắng đưa ra cho mình một số ám thị tâm lý tích cực, đừng sử dụng những sai lầm trong quá khứ để trừng phạt bản thân của hiện tại.
 
Tin tưởng vào bản thân là một bước quan trọng trong việc thay đổi sự trì hoãn.
 
Bước thứ ba là học cách từ chối
 
Ngay cả những người thân, bạn bè của bạn, nếu họ vô tình xâm phạm ranh giới tâm lý của bạn, hãy kịp thời nói cho họ biết cảm xúc thật của bạn để họ nhận ra rằng hành động của họ đã khiến bạn không thoải mái.
 
Bước thứ tư là thiết lập một mục tiêu nhỏ dễ hoàn thành cho bản thân
 
Mục tiêu quá xa, mốc thời gian quá dài, sẽ khiến chúng ta không có khái niệm rõ ràng, không có cảm giác khủng hoảng, và để hoàn thành nó thì lại càng khó hơn.
 
Thiết lập một mục tiêu nhỏ sẽ khiến bạn có động lực hơn trong quá trình đạt được mục tiêu dài hạn.
 
Ví dụ, "Tôi muốn đọc xong cuốn sách này trong vòng 4 ngày, vậy thì tôi có thể đọc 100 trang mỗi ngày."
 
Cuối cùng, tập thể dục cũng là một trong những cách quan trọng để giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có sự trì hoãn
 
Nghiên cứu khoa học cho thấy thể thao sẽ thúc đẩy cơ thể sản sinh ra một loại hormone gọi là endorphin, giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện hạnh phúc.
 
Ngoài ra, việc tập thể dục sẽ kích thích não bộ phát triển tốt hơn và tăng khả năng tập trung của bạn.
 
Hãy quan sát kỹ những người thích tập thể thao xung quanh bạn, trông họ có luôn tràn đầy năng lượng và hoạt bát không? Đối mặt với cuộc sống, họ dường như lạc quan và cởi mở hơn. Chỉ cần bạn không ngừng tập thể dục, một ngày nào đó bạn sẽ trở thành người như vậy.
 
Sau cùng, mong bạn sớm khắc phục được tính trì hoãn, đón lấy một tương lai rực rỡ và ít tiếc nuối hơn.

Theo Cafebiz/ Baobithanhdat.com.vn