3 năm học nói, cả đời học im: Làm người tài trí, 6 kiểu dù cậy miệng cũng nhất quyết "không nói"
03/07/2021 805 lượt xem
Lời nói có giá trị, nói nhiều lên một chút; lời nói không cần thiết, thì đừng nói. Con người sống ở đời, mất cả đời học cách im lặng, 6 "không nói", giúp bạn thu lợi cả đời.
 
Người xưa nói: bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra.
 
Sống ở đời, nói càng nhiều, càng dễ rước họa vào thân, có thể nói ít được bao nhiêu hãy cố gắng nói ít lại.
 
Tăng Quốc Phiên, một Nho gia nổi tiếng của Trung Quốc từng nói: "Hành sự không được cảm tính, nói năng không được tùy miệng."
 
Lời nói có giá trị, nói nhiều lên một chút; lời nói không cần thiết, thì đừng nói.
 
Con người sống ở đời, mất cả đời học cách im lặng, 6 "không nói", giúp bạn thu lợi cả đời.
 
1. Không nói trực tiếp

Đối đãi với người phải chân thành, nói chuyện hãy nói lời thật lòng. Nhưng, con người, ai cũng có sĩ diện, dù ít hay nhiều, có nhiều việc, không nên trực tiếp nói thẳng ra, dễ đụng chạm tới tự ái của người khác.
 
Bạn đụng chạm tới họ lần này, lần sau người ta cũng sẽ chẳng còn thiết tha giữ thể diện cho bạn.
 
Khi muốn nói lời thẳng thắn với ai đó, phải biết nói sao cho uyển chuyển, lời khó nghe thì nói làm sao cho nó dễ nghe một chút, để ý tới tự tôn của họ, đặt tự tôn của họ lên hàng đầu.
 
Con người ta ai cũng muốn nghe lời hay ý đẹp, không ai muốn nghe người khác nói giống như chửi vào mặt mình cả.
 
Khuyên người, đừng trực tiếp nói toẹt hay chỉ trích sơ suất của họ, trước tiên hãy khẳng định điểm tốt của họ, sau đó từ từ nhắc tới điểm còn thiếu sót, như vậy, họ sẽ dễ dàng tiếp nhận hơn.
 
Nói chuyện là một môn nghệ thuật, và chúng ta cần chú ý tới phương thức khi nói.
 
Lời nói có giá trị tới đâu thì cũng chỉ có tác dụng khi người khác muốn nghe và nghe lọt tai.
 
Tôn trọng đối phương, để ý tới tâm trạng, cảm xúc của họ, uyển chuyển một chút mới là đạo nói chuyện đúng đắn.
 

2. Không nói lời thị phi

Có câu: người thêu dệt chuyện thị phi, chính là kẻ thị phi
 
Những kẻ rảnh rỗi không có việc gì để làm, không có lương tâm, mới thích đi đây đó nói gà nói vịt, nói nhăng nói cuội, thêu dệt tin đồn vô căn cứ, thừa thãi.
 
Miệng nói ra quá nhiều lời thị phi, tâm hồn sẽ dần dần bị vẩn đục.
 
Nếu có ai đó nói xấu sau lưng người khác trước mặt bạn, vậy thì họ cũng rất có thể đã từng nói xấu sau lưng chính bạn.
 
Chơi lâu dài với loại người này, sớm muộn gì tâm hồn của bạn cũng sẽ bị vẩn đục theo họ.
 
Hoa tuy có thể nói, nhưng nó lại giống người, thêm thắt đặt điều, gây ra thị phi; đá tuy không thể nói chuyện nhưng chúng chân thành và cứng rắn, luôn được mọi người yêu thích. Cũng như vậy, miệng xinh xẻo mà suốt ngày đi tám chuyện thị phi thì cũng chẳng bằng mấy hòn đá tuy không nhẵn nhụi nhưng tâm hồn thiện lương, ngay thẳng.
 
3. Không nói lời oán than
 
Cuộc sống không dễ dàng, ai cũng đều gánh vác một gánh nặng trách nhiệm nhất định trên vai.
 
Than thân trách phận không giải quyết được vấn đề, nó chỉ truyền đi năng lượng tiêu cực hơn mà thôi.
 
Mất bò mới lo làm chuồng thì đã muộn, nói lời oán than càng không đâu. Than phiền càng nhiều, bạn bè càng ít, bởi họ chẳng rảnh rỗi mà suốt ngày đi ở cùng rồi lắng nghe từ một người ngập tràn năng lượng tiêu cực như bạn.
 
 
Gặp vấn đề, trước tiên hãy tìm nguyên nhân từ chính mình.
 
Sống ở đời, thay vì ca thán, hãy nỗ lực.
 
Có sức ngồi đó oán than, chi bằng nỗ lực, đổ mồ hôi để đổi lấy kết quả tốt đẹp hơn.
 

 
4. Không nói lời ngông cuồng

Trời còn có trời rộng hơn, người còn có người tài giỏi hơn. Bạn vĩnh viễn không bao giờ biết được rằng người ta mạnh mẽ tới đâu.
 
Con người có thể có tinh thần quật cường, nhưng tuyệt đối không được huênh hoang, kiêu ngạo.
 
Có người nói, nguyên nhân thất bại của con người phần lớn tới từ hai chữ, một là lười, hai là ngạo.
 
Người ngông cuồng, tầm nhìn nhỏ hẹp, không biết trời cao đất dày.
 
Trông như ne ranh vuốt móng, nhưng thực ra cũng chỉ là con hổ giấy.
 
Khiêm tốn một chút, chưa bao giờ là không tốt.
 
5. Không nói lời hàm hồ

Lời nói ra giống như bát nước đổ đi.
 
Sống ở đời, nói gì là phải có căn cứ, phải chính xác, tuyệt đối đừng nói bừa.
 
Rất nhiều người thích nói xằng nói bậy, nói mà không dùng não, không nghĩ trước nghĩ sau, thành ra nói toàn lời hàm hồ.
 
Người nói ra có lẽ sẽ chẳng nhớ mình nói gì, nhưng người nghe lại phải chịu ảnh hưởng vô cùng sâu sắc.
 
Một người thường xuyên nói lời hàm hồ sẽ không còn ai muốn tin tưởng anh ta, một người, khi đã mất đi tín nhiệm, là mất đi nền tảng lập thân trong xã hội.
 
Nói lời chân thực, ý nghĩa, làm việc dứt khoát, rõ ràng, người như vậy mới đáng tin cậy, mới xứng đáng để kết giao.
 

6. Không nói lời ác độc

Một lời an ủi bằng cả mùa xuân ấm áp, một lời ác ý bằng cả cái lạnh mùa đông.
 
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, ai cũng có thể tùy tiện phát ngôn, đánh giá một cách cảm tính về một sự việc hoặc một con người nào đó.
 
Nhiều người còn thích lấy những lời nói chê bai hay ác ý với người khác làm trò tiêu khiển.
 
Cái này người ta gọi là: khẩu nghiệp.
 
Mỗi một câu nói ác ý làm tổn thương tới người khác là một lần bạn đang tự tạo ra nghiệp cho chính mình.
 
Miệng lưỡi thế gian là con dao sắc bén nhất, và nó giết người mà không cần đổ máu.
 
Nhiều người thêu dệt thị phi, bình luận ác ý, nhưng vẫn dương dương tự đắc, một tay chỉ điểm giang sơn. Họ không biết rằng, khẩu nghiệp nhiều rồi, sớm muộn gì cũng báo ứng lên đầu mình.
 
Làm người, cơ bản nhất là đạo đức, nói, đừng làm tổn thương người ta tới cùng; làm việc, cũng đừng có triệt đường sống của người ta.
 
Bỏ qua được cho ai thì hãy bỏ qua, bỏ qua cho họ, là ta đang tích đức cho mình và con cháu.
 
3 năm học nói, cả đời học im

Trước khi nói điều gì đó, hãy uốn lưỡi bảy lần rồi hãy nói.
 
Nghĩ xem lời nói của mình có làm tổn thương đối phương hay không, có hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ hay không.
 
Nói chuyện là một môn nghệ thuật, đồng thời cũng cho thấy đạo đức, phẩm hạnh của một con người.
 
Mỗi một câu nói bạn nói ra, đều sẽ quyết định độ cao cuộc đời bạn.

Theo Cafebiz / Baobithanhdat.com.vn